Thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, logo như thế nào ? Các lưu ý về hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo quy định mới nhất của pháp luật.
Ai là người có quyền đăng ký nhãn hiệu
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005, tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu gồm:
- Đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
- Đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
- Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
- Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Lưu ý, hàng hóa, dịch vụ phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nếu là đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, chứng nhận.
- Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí. Chi phí đăng ký nhãn hiệu phụ thuộc vào số nhóm và số sản phẩm đăng ký bảo hộ.
Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
- Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
Tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu
Đơn đăng ký nhãn hiệu được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận khi:
- Tờ khai có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Người nộp đơn có chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.
- Mẫu nhãn hiệu đủ số lượng, đúng kích thước.
- Giấy ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký
Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu không đúng nội dung tờ khai, hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan chức năng sẽ từ chối tiếp nhận đơn..
Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu
Sau khi tiếp nhận, Đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được Cục sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn.
Đơn đăng ký nhãn hiệu bị coi là không hợp lệ nếu
- Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức;
- Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ;
- Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn;
- Đơn được nộp trái với quy định về cách thức nộp đơn;
- Người nộp đơn không nộp phí và lệ phí.
Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu không hợp lệ, cục sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục sau đây
- Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối;
- Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này;
Đối với đơn đăng ký hợp lệ hoặc đã được sửa đổi hợp lệ
Cục sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
Thời hạn thẩm định hình thức đơn: 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn.